Đơn giản nhất: Hãy hiểu khái niệm bị (chịu) “Kích động” = “Nỗi đau” (1)
1. Thế nào là một con người phẫn hận?
Phẫn hận, theo Nietszche là một trạng thái tinh thần ở đó con người (con người chịu những kích động) không còn phản ứng (phản kháng) lại những kích động, nỗi đau (thường là tiêu cực, gây tổn thương cho họ) từ bên ngoài nữa mà thay vào đó là sự cảm nhận những kích thích tiêu cực.Diễn đạt một cách dễ hiểu hơn, con người phẫn hận là một con người khi tiếp nhận một hay nhiều nỗi đau vào cùng một thời điểm, thay vì “chống lại” những nỗi đau ấy thì họ lại để cho nó “xâm chiếm” tâm hồn họ và cảm nhận những cảm giác (sự gặm nhấm, đau đớn, trống rỗng…v.v.) nó đưa đến cho tinh thần (suy nghĩ) của họ.
2. Hai cơ chế tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài
Theo Nietche, cần phải giả định rằng có tới hai hệ thống tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài lên chủ thể (người) (2), trong đó:- Hệ thống 1: Tiếp nhận các kích thích của tri giác, nhưng nó không giữ lại gì cả, do đó, không có ký ức về sự kích thích. Ví dụ: Tri giác tiếp nhận các kích thích (cảm giác) như là quá nóng hoặc quá lạnh, nhưng nó không ghi nhớ những cảm giác ấy, do vậy, không có ký ức về các cảm giác trên.
- Hệ thống 2: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi các kích thích ban đầu (những kích thích đã tác động lên hệ thống 1) thành những “dấu vết” (ký ức) có tính bền vững. Trở lại ví dụ trên, hệ thống thứ hai sẽ chuyển hóa những cảm giác quá nóng hoặc quá lạnh kia thành một dạng ký ức bền vững, những ký ức này thường được đẩy vào tầng sâu của vô thức.
2.1 Sự quên
Việc ý thức của chúng ta “quên” hay không thể ghi nhớ chính xác một kích động (nỗi đau) nào lên mình được coi như một “CƠ CHẾ BẢO VỆ” (3) của cơ thể trước những tác nhân có thể gây tổn thương đến tinh thần và thể chất của chủ thể. Vì thế, Nietszche đi đến kết luận: “Không một hạnh phúc nào, không một sự bình yên nào, không một hy vọng nào, không một niềm kiêu hãnh nào, không một niềm vui nào ở thời điểm hiện tại có thể tồn tại mà không có năng lực quên” (4).Tuy nhiên, có phải bất cứ lúc nào cơ thể cũng duy trì được cơ chế bền vững của “sự quên”?
Câu trả lời là KHÔNG!
Nietszche lý giải rằng, có một cơ chế duy trì sự tách biệt (độc lập) trong hoạt động của hai hệ thống (tiếp nhận kích thích từ bên ngoài, đã nói đến ở trên), Nietszche gọi đó là “sức mạnh hoạt năng” – KHẢ NĂNG TẠO NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC CHO Ý THỨC (5).
Sức mạnh hoạt năng hoạt động chỉ như một bộ phận chức năng trong cơ thể (tương tự như một bộ máy tiêu hóa chẳng hạn) nên đôi khi muốn “làm mới ý thức” (giúp suy nghĩ trở nên linh hoạt, sinh động) nó buộc phải vay mượn năng lượng từ “sức mạnh phản ứng” – KHẢ NĂNG ỨC CHẾ NĂNG LỰC HÀNH ĐỘNG (6). Điều này dẫn đến sự rối loạn chức năng của “sức mạnh hoạt năng”, khiến nó không tài nào bảo vệ được con người trước những kích thích tựa như những nỗi đau đang được ẩn giấu trong họ (mà ngày thường không thấy được). Khi ấy, chính là thời điểm SUY YẾU CỦA SỰ QUÊN. Lúc này, trong chúng ta sẽ có một cảm xúc lẫn lộn đan xen: Sự hưng phấn (niềm vui, hạnh phúc, các cảm xúc tích cực…) có chiều hướng hòa trộn (lẫn) với những dấu vết (ký ức) từng bị hệ thống tiếp nhận kích thích thứ hai đẩy vào tầng vô thức. Những ký ức ấy sẽ dâng lên và xâm chiếm toàn bộ ý thức của con người.
Nó biến một người đang vui vẻ bình thường trở nên nhạy cảm. Có một nỗi đau nào đó, sự hồi hộp nào đó “chạm khẽ” vào chúng ta, biến đầu óc chúng ta trở nên trống rỗng, bất lực không biết phải làm gì, nhưng bản thân ta lại không thể xác định được cảm giác ấy là gì, sự mất mát ấy là gì hay đơn giản, tại sao cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, sung sướng lại có thể dễ dàng bị choán ngôi bởi thứ cảm xúc tiêu cực, không rõ ràng nhanh đến thế?
2.2 Tại sao ta lại có một trí nhớ khác thường?
Một đặc điểm quan trọng nữa góp phần dẫn đến trạng thái phẫn hận của con người, biến nỗi đau thành một tâm trạng phẫn hận chính là người ta NHỚ QUÁ RÕ và KHÔNG THỂ QUÊN một ẤN TƯỢNG nào đó đã GÂY TỔN THƯƠNG (làm anh ta đau), hình ảnh ấy đã HẰN SÂU VÀO TRÍ NHỚ mà đáng lý, với cơ chế hoạt động tách biệt của hai hệ thống nói trên, anh ta phải hoàn toàn không thể ghi nhớ được ký ức đó. Vì vậy, xét một cách chặt chẽ, việc nhớ quá chính xác một sự kiện nào đó (sự kiện ấy đã gây tổn thương sâu sắc cho anh ta) cùng một bản chất với sự quên. Nó ngăn cản việc che giấu (quên đi) những ký ức buồn, những nỗi đau anh ta đã trải qua, không còn cách nào khác, ký ức đau buồn ấy hiện diện, xâm chiếm trí óc và trái tim, kích thích việc hình thành phản ứng phẫn hận trong tâm lý của anh ta.3. Tại sao con người phẫn hận lại có ước muốn “trả thù”?
Đối diện với những cú sốc (nỗi đau) quá lớn, con người ấy hoàn toàn cảm thấy bất lực. Họ không thể phản kháng lại (vì đau đến mức không còn biết làm gì hơn nữa).3.1. Cảm thấy bị lăng nhục
Nietszche cho rằng, vì nỗi đau ngăn cản khả năng hành động, phản kháng lại của con người, cho nên anh ta CĂM GHÉT sự TRƠ LÌ, CHẬM TRỄ trong phản ứng của bản thân mình và cần có ai đó phải chịu trách nhiệm cho sự trơ lì cảm xúc của anh ta?Ai đó không ai khác chính là BẢN THÂN ANH TA. Tuy nhiên, để che giấu việc mình bị tổn thương, sự bất lực, đau khổ, thậm chí là sự tự ti của bản thân mình, anh ta – người bị tổn thương sẽ ĐỔ LỖI cho những tác nhân bên ngoài gây ra nỗi đau của mình. Đó là lý do khiến anh ta có thái độ thù hằn với mọi người, thậm chí với những vật xung quanh mình. Anh ta cảm nhận họ (chúng) đang LĂNG NHỤC mình. Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, anh ta luôn luôn ý thức được người đáng trách nhất chính là bản thân anh ta chứ không phải ai khác, do đó, trong những diễn biến phức tạp và đầy rẫy mâu thuẫn của nội tâm, anh ta tiến đến một trạng thái tâm lý nữa là MẶC CẢM TỘI LỖI, nhưng tôi không muốn bàn đến nội dung này ở đây, điều tôi muốn nhấn mạnh là việc con người bị tổn thương (con người phẫn hận) muốn chữa lành vết thương bằng việc làm đau chính mình.
3.2. Chữa lành vết thương = tự làm tổn thương chính mình
Hai chữ “tổn thương” nên được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sự tự làm hại cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của người chịu tổn thương. Đây là một dạng phản ứng tâm lý rất đặc trưng mà Nietszche đã bàn đến, dường như chính ông cũng đã sống một cuộc đời (bất hạnh) như vậy!Khi phải hứng chịu nỗi đau và không thể làm gì để thoát khỏi nó, con người đang trong trạng thái phẫn hận có xu hướng làm hại (gây ra những tổn thương lớn hơn) cho thể xác và tinh thần của chính mình nhằm làm dịu đi những nỗi đau (chủ yếu về mặt tinh thần) mà họ đang trải qua (hoặc phải giả định đó là một cơ chế tự nhiên?)
Con người ấy, con người phẫn hận, muốn làm mệt nhoài tinh thần và thể xác của chính mình, coi đó như một phương tiện để “trốn chạy” khỏi những thực tại (những nỗi đau, những cảm giác tổn thương, trống rỗng, những mặc cảm tội lỗi, những mâu thuẫn trong tư tưởng, tinh thần…) mà anh ta phải đối mặt. Đồng thời, nó được anh ta coi như một biện pháp nhằm cứu rỗi, chữa lành những vết thương trong sâu thẳm chính mình!
Sau nhiều năm tìm hiểu triết học Nietszche, tôi vẫn giữ một niềm tin không đổi rằng, nghiên cứu con người phẫn hận trong triết học của ông có ý nghĩa tâm lý học nhiều hơn khía cạnh đạo đức học. Về vấn đề này, tôi sẽ trở lại sâu hơn trong một bài viết khác!
Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi từ những ai quan tâm!
Hương Liên
P/S: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết về vấn đề này!
CHÚ THÍCH:
(1) Chúng tôi quy ước như vậy chỉ để tiện cho người đọc theo dõi bài viết. Ngoài ra, sự đồng nhất hai khái niệm này hoàn toàn là một sai lầm nghiêm trọng về mặt học thuật;
(2) Xem thêm, G. Deleuze (2010): Nietszche và triết học, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr.160;
(3) Đã dẫn, tr.162;
(4) Đã dẫn, tr.162;
(5) “Sức mạnh hoạt năng” là khả năng (cơ chế) làm bùng nổ sự sáng tạo trong tinh thần con người. Nó thúc đẩy sự sáng tạo trong một thời điểm và theo một hướng nhất định;
(6) “Sức mạnh phản ứng” là khả năng (cơ chế) hạn chế năng lực hành động của con người. Chúng chia cắt hành động, ngăn cản và làm chậm trễ hành động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét