16/4/18

Ba bước đơn giản để nằm lòng các định nghĩa Triết

Làm thế nào để ghi nhớ các định nghĩa khó nhằn của môn Triết? Nếu nó đang làm bạn thực sự đau đầu, hãy vận dụng thử ba bước sau xem sao nhé!



BƯỚC 1: Chia nhỏ nội dung cần học thành từng đoạn

Ví dụ: Khi học định nghĩa VẬT CHẤT hãy chia thành các đoạn nhỏ như thế này nhé:
  • Vật chất là một phạm trù triết học
  • Chỉ thực tại khách quan
  • Được đem lại cho con người trong cảm giác
  • Được cảm giác chụp lại, chép lại và phản ánh, nhưng nó tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.
P/s: Lưu ý là tùy từng định nghĩa để ngắt đoạn. Nếu xong rồi, hãy chuyển sang bước thứ hai nhé!

BƯỚC 2: Giải nghĩa từ ngữ và lấy ví dụ minh họa cho các đoạn đã được chia nhỏ

Tiếp tục ví dụ định nghĩa VẬT CHẤT nhé:
  • Vật chất là một phạm trù triết học: Phạm trù là một khái niệm rộng nhất, bao quát một lĩnh vực nhất định nào đó. Nói vật chất là một phạm trù triết học có nghĩa là: vật chất là một trong những khái niệm rộng nhất của triết học. Ví dụ khi ta nói: “ô xy hóa” là một khái niệm của Hóa học; “Điện tử” là khái niệm thuộc lĩnh vực Vật lý học…v.v.
    ==>Tóm lại: Vật chất là một trong những khái niệm rộng nhất của triết học
  • Chỉ thực tại khách quan: Nói “thực tại khách quan” là một cụm từ rất khó hiểu, nên để tiện cho việc ghi nhớ, chúng ta có thể hiểu nôm na ý của cụm từ ấy thế này: “thực tại khách quan” là tất cả những gì ở bên ngoài ý thức con người, dù con người đã biết đến nó hay chưa biết đến nó thì sự có mặt của nó trên thế giới hoàn toàn không phải do con người nghĩ ra và độc lập với ý thức con người. Ví dụ: Những dãy núi, dòng sông…là những “thực tại khách quan”, bởi vì sự có mặt của sông và núi ở trên đời không phụ thuộc vào ý muốn của bất cứ ai. Tôi nói, tôi không muốn những con sông ấy tồn tại, nhưng không phải vì “tôi không muốn” mà những con sông ấy không có mặt, không chảy trên thế gian này nữa.
    ==>Tóm lại: “Thực tại khách quan” là tất cả những gì ở bên ngoài ý thức con người và độc lập với ý thức của con người.
  • Được đem lại cho con người trong cảm giác: nghĩa là vật chất là cáigây nên cảm giác cho ta bằng cách trực tiếp hay gián tiếp (thông qua cái khác) để tác động lên giác quan của ta. Ví dụ: chạm vào nền đất (tự nhiên) ta thấy lạnh; sờ vào lửa ta thấy nóng; chạm vào thân thể người khác ta thấy ấm…v.v.
    ==>Tóm lại: Vật chất là cái gây nên cảm giác ở con người khi trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên giác quan của con người.
  • Được cảm giác chụp lại, chép lại và phản ánh nhưng nó tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác: nghĩa là cảm giác, ý thức của chúng ta là sự phản ánh về vật chất còn bản thân vật chất thì tồn tại không phụ thuộc vào sự phản ánh đó. Ví dụ: Khi tôi nhìn một dòng sông, trong đầu tôi có một hình ảnh về dòng sông được ghi nhận lại thì hình ảnh dòng sông trong đầu tôi là cái phản ánh dòng sông trên thực tế (cái được phản ánh). Nghĩa là, nếu trong ý thức tôi không có hình ảnh về dòng sông đi chăng nữa thì vẫn còn những dòng sông đang chảy ở ngoài kia.
    ==>Tóm lại: Vật chất là thứ có thể nhận thức, cảm biết được thông qua các giác quan nhưng sự tồn tại (có mặt) của vật chất hoàn toàn không phụ thuộc vào các giác quan hay ý thức của con người.
BƯỚC 3: Tự ghép lại một định nghĩa hoàn chỉnh theo cách hiểu và trí nhớ của mình; sau đó, đối chiếu lại với định nghĩa trong sách.

Vậy là bạn đã nằm lòng định nghĩa Vật Chất rồi đó! ^^

P/s: Có thể ban đầu, bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn, nhưng một thời gian khi quen với cách làm này, bạn có thể tự điều chỉnh cho phù hợp với quỹ thời gian và cách học của mình; và việc ghi nhớ những định nghĩa triết cũng trở nên thực sự dễ dàng, phải không? ^^

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hệ thống sơ đồ hóa môn Triết học Mác – Lênin (Kỳ 1)

Hệ thống sơ đồ hóa môn Triết học Mác – Lênin là một công trình chứa đựng nhiều tâm huyết và thời gian của “Lão C”, Phó Chủ nhiệm Câu l...